Tháng 6/2014, Ban Dân vận Tỉnh ủy Phú Yên và Ban Dân vận Tỉnh ủy Bình Định ký kết chương trình phối hợp về công tác dân tộc, tôn giáo giai đoạn 2014-2015. Hơn một năm qua, việc triển khai thực hiện chương trình đã đạt một số kết quả bước đầu rất đáng ghi nhận.
NHỮNG KẾT QUẢ KHÍCH LỆ
Sau khi ký kết chương trình phối hợp, ban dân vận hai tỉnh có văn bản hướng dẫn Ban Dân vận Huyện ủy Đồng Xuân (Phú Yên) và Ban Dân vận Huyện ủy Vân Canh (Bình Định) - hai huyện giáp ranh của hai tỉnh - triển khai quán triệt, xây dựng nội dung chương trình phối hợp; đồng thời tổ chức hội nghị ký kết, hướng dẫn các xã giáp ranh xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện. Trên cơ sở hướng dẫn này, Thường trực Huyện ủy Đồng Xuân và Vân Canh chỉ đạo ban dân vận hai huyện tổ chức ký kết chương trình phối hợp về công tác dân tộc, tôn giáo có sự tham gia phối hợp giữa chính quyền, MTTQ, công an, quân sự hai huyện và đảng ủy, chính quyền, MTTQ và các xã vùng giáp ranh: Đa Lộc - Canh Hiệp, Xuân Lãnh - Canh Hòa, Phú Mỡ - Canh Liên. Sau đó, dưới sự tư vấn, hỗ trợ trực tiếp của ban dân vận hai huyện, các xã tiếp tục ký kết, thực hiện chương trình phối hợp ở cấp mình. Nội dung chủ yếu là phối hợp triển khai công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đoàn kết tham gia các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, các cuộc vận động xây dựng cơ sở, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn ở địa bàn.
Về công tác dân tộc, nét nổi bật là các xã đã vận động, tuyên truyền nhân dân vùng giáp ranh phát huy truyền thống gắn bó lâu đời, chăm chỉ sản xuất làm ăn để giảm tỉ lệ hộ nghèo, nâng cao đời sống, ngày càng đạt hiệu quả thiết thực. Đồng thời thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, hương ước, quy ước ở khu dân cư, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu. Công tác giáo dục - đào tạo ngày càng được quan tâm nhiều hơn. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học được chú trọng đầu tư. Công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu và phòng, chống dịch bệnh cho nhân dân đạt nhiều tiến bộ đáng kể, đáp ứng các nhu cầu cơ bản trong khám, chữa bệnh cho nhân dân. Đến nay nhìn chung các xã đều có trạm y tế, bác sĩ khám, điều trị tại chỗ cho dân… Ma Lưn, người dân thôn Phú Hải (xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân), nói: “Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các ban, ngành, đời sống người dân tộc chúng tôi hôm nay đã khá hơn, nhất là tình trạng thiếu nước sinh hoạt mùa nắng nóng đã được khắc phục nhiều so với trước”.
Qua triển khai chương trình phối hợp, công tác tôn giáo đã có nhiều chuyển biến tích cực, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của đồng bào có đạo. Vì thế, tín đồ các tôn giáo tin tưởng vào chính sách của Đảng và Nhà nước, sống tốt đời đẹp đạo, tích cực tham gia đóng góp phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh trật tự ở cơ sở. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội giữa hai huyện và các xã giáp ranh trong thời gian qua cơ bản ổn định. Đáng chú ý là ban dân vận hai huyện Đồng Xuân, Vân Canh đã phối hợp tham mưu cấp ủy chỉ đạo, giải quyết kịp thời các vụ việc mâu thuẫn trong dân. Đó là vụ tranh chấp đất đai, gia súc phá hoại hoa màu, gây mất trật tự trong đồng bào dân tộc thiểu số tại hai xã Canh Hòa (huyện Vân Canh) và Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân); vụ nhóm thanh niên thôn Ka Xiêm (xã Canh Thuận, huyện Vân Canh) gây gổ, đánh nhau với thanh niên thôn Da Dù (xã Xuân Lãnh)…
TĂNG CƯỜNG PHỐI HỢP, TRAO ĐỔI THÔNG TIN
Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Bình Định Huỳnh Thanh Xuân cho biết: Bên cạnh những kết quả nói trên, việc thực hiện chương trình phối hợp vẫn còn những hạn chế. Chẳng hạn, một số tôn giáo tổ chức các hoạt động nhân đạo - từ thiện chưa thực hiện đúng theo các quy định của pháp luật, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước của chính quyền sở tại. Cá biệt có trường hợp lợi dụng hoạt động này để thực hiện các hành vi phạm pháp. Đáng lưu ý là tổ chức phản động đội lốt tôn giáo Tin lành Đề Ga lén lút hoạt động ở một số xã vùng giáp ranh hai tỉnh; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng dân tộc thiểu số giáp ranh còn tiềm ẩn nhân tố mất ổn định. Bên cạnh đó, việc kiểm tra, đôn đốc ở cơ sở chưa được thường xuyên, công tác bồi dưỡng cán bộ là người dân tộc thiểu số còn có những bất cập… Theo Phó trưởng ban phụ trách Ban Dân vận Tỉnh ủy Phú Yên Nguyễn Thành Long, nguyên nhân của tình trạng trên là do một số cán bộ còn xem nhẹ việc thực hiện chương trình phối hợp; cán bộ làm công tác dân tộc, công tác tôn giáo ở cấp xã còn kiêm nhiệm, năng lực tham mưu về công tác này chưa theo kịp yêu cầu, nhiệm vụ.
Để khắc phục hiệu quả các hạn chế này, theo ông Long, ban dân vận hai tỉnh, hai huyện cần tiếp tục tham mưu cấp ủy tiếp tục lãnh đạo tốt hơn việc thực hiện chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo; phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, cốt cán trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh ở địa phương. Đồng thời tăng cường phối hợp kiểm tra việc thực hiện các chính sách này trên địa bàn các xã của hai huyện giáp ranh. Một vấn đề rất quan trọng là ban dân vận phải tham mưu đề xuất cấp ủy, chính quyền hai tỉnh có chính sách đặc thù để phát triển đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số đảm bảo chất lượng chính trị, chuyên môn nghiệp vụ trong các dân tộc chưa có cán bộ hoặc còn ít cán bộ ở các xã giáp ranh. Bởi vì đây là lực lượng trực tiếp quyết định, lãnh đạo, điều hành các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị, thực hiện công tác dân tộc, tôn giáo ngay tại cơ sở.
“Thời gian qua, Đảng ủy, UBND hai xã Xuân Lãnh, Canh Hòa thường xuyên thông tin cho nhau về các vấn đề quan tâm, nhờ vậy báo cáo cấp trên chỉ đạo, xử lý kịp thời, dứt điểm các vụ việc phát sinh, không để xảy ra điểm nóng trên địa bàn. Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tăng cường công tác trao đổi thông tin, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ dân vận ở các thôn, phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Đảng ủy, UBND xã Canh Hòa để thực hiện tốt chương trình phối hợp đã ký kết”.
Phó bí thư thường trực Đảng ủy xã Xuân Lãnh Nguyễn Hữu Duy |
NAM THÀNH